ĂN DẶM CHO BÉ THEO TỪNG THÁNG TUỔI

Sữa mẹ là nguồn dưỡng chất tốt nhất dành cho con- đây là quan điểm hoàn toàn đúng đắn, đặc biệt với các bé dưới 6 tháng tuổi. 

Thế nhưng, với các bé trên 6 tháng, sữa mẹ là yếu tố cần chứ chưa đủ đâu nhé. Ngoài sữa mẹ ra, các mẹ cần phải bổ sung các loại vi chất và dưỡng chất cần thiết khác cho con thông qua những bữa ăn dặm. Vậy làm sao để có bữa ăn dặm đúng chuẩn và những lưu ý gì khi cho trẻ ăn dặm? Bài viết dưới đây sẽ giúp các mẹ “gỡ rối” tất tần tật các vấn đề về ăn dặm nha!

Thời điểm và tần suất cho bé ăn dặm

Theo các chuyên gia khuyến cáo, mẹ nên bắt đầu cho bé ăn dặm khi trẻ 6 tháng tuổi và kết thúc thời gian ăn dặm khi bé 24 tháng tuổi.

Tần suất cho ăn dặm sẽ tùy theo tình trạng phát triển của bé:

– Khi bé ngồi cần hỗ trợ hay ngồi tự mình được: bắt đầu bằng 1 lần/ngày, sau đó từ từ tăng lên đến 2-3 lần/ngày

– Khi bé bò được: cho ăn dặm 3-4 lần/ngày

– Khi bé đi được: cho ăn 3 bữa chính và 2 bữa phụ

Nguyên tắc cơ bản khi cho trẻ ăn dặm

– Ăn từ ít đến nhiều: Khi mới bắt đầu ăn, mẹ có thể cho bé ăn bằng bình tập ăn dặm hoặc bằng thìa, sau đó tăng dần từ 1-2 muỗng nhỏ thức ăn xay nhuyễn. Khi bé đã quen với chế độ dinh dưỡng mới, mẹ có thể tăng dần lượng thực phẩm cho bé.

– Từ ngọt đến mặn: Khi mới tập cho bé ăn dặm, mẹ nên bắt đầu với những thực phẩm có vị ngọt như táo, chuối, khoai lang. Sau đó mới thử đến các loại rau, thịt cá. Tuy nhiên, mẹ lưu ý không nên nêm muối, bột ngọt hay bột nêm vào thức ăn của con nhé!

– Cho bé làm quen với thực phẩm mới trong 3-5 ngày

– Cân đối các nhóm thực phẩm.

Nhóm bột đường: gạo, bánh mỳ, bún, phở, ngô, khoai…

Nhóm đạm: thịt, cá, trứng, sữa, tôm, đậu nành, các loại đậu…

Nhóm chất béo: dầu, bơ, các loại hạt có dầu

Nhóm vitamin và khoáng chất: rau củ và các loại trái cây

Cho trẻ ăn dặm đúng theo từng tháng tuổi

Từ 6 tháng – 8 tháng tuổi:

– Ăn dặm sau khi bú mẹ, bú bình,

– Lựa chọn các thực phẩm giàu chất sắt

– Tập cho trẻ ăn từ những thức ăn mềm, nhuyễn (mẹ có thể xay ra cho bé dễ ăn): khoai lang, khoai tây, đu đủ, bơ, chuối, thịt bò, thịt heo, gà…

– Tập thói quen cho trẻ uống nước trong ly, bắt đầu bằng lượng rất nhỏ, khoảng ½ muỗng trà (teaspoon) – tức khoảng 2,5ml, sau đó tăng dần lên khoảng 30ml-60ml thức ăn dặm một lần ăn.

Từ 8 tháng-9 tháng tuổi:

– Ăn dặm trước khi bú mẹ, bú bình

– Tiếp tục cho bú mẹ, bú bình theo nhu cầu (trung bình khoảng 90-100ml/kg/ngày)

– Cho ăn ngũ cốc dạng thô hơn

– Rau củ: nấu chín, dằm thô, lợn cợn

– Trái cây: cho đủ loại

– Thịt: tiếp tục cho ăn các loại thịt, thêm vào cá và lòng đỏ trứng

– Cho bé uống nước trong ly

– Cho bé ăn khoảng 30ml đến 240ml thức ăn/lần ăn. Tăng lên ăn 3 lần/ngày.

Từ 9 tháng tuổi trở lên:

– Cho trẻ ăn những thức ăn dạng miếng, cục hoặc dạng ngón tay

– Nên cho trẻ tự cầm muống múc thức ăn

– Vẫn cho bé bú/uống theo nhu cầu, khoảng 600-800ml/ngày

– Ngũ cốc: tất cả các loại, các dạng khác nhau.

– Rau củ: tất cả các loại rau củ, có thể thử một số rau củ sống

– Trái cây: tất cả các loại trái cây, bỏ da dày, bỏ hạt, cắt miếng

– Thịt: bỏ da, bỏ sụn, bỏ xương

– Có thể thử các chế phẩm từ sữa như: sữa chua, phô mai… Lưu ý: Sữa bò tiệt trùng chỉ nên bắt đầu khi trẻ sau 1 tuổi.

– Cho trẻ ăn 3 bữa chính, 1-2 bữa phụ, theo nhu cầu.

Những thực phẩm nên tránh khi cho bé ăn dặm

– Mật ong: Tuyệt đối không cho trẻ dưới 1 tuổi ăn mật ong cũng như các loại thức ăn chứa mật ong

– Muối và các sản phẩm chế biến sẵn chứa nhiều muối

– Đường và các sản phẩm chứa đường (nước trái cây đóng chai, sữa tươi, bánh kẹo,…)

– Các loại quả tròn nhỏ có khả năng gây hóc, nghẹn nên được sơ chế và chế biến cẩn thận trước khi cho trẻ ăn.


Theo WTT

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *